Quan Lạn không chỉ là một danh thắng, một di sản thiên nhiên, mà khi đến đây khách thăm quan còn có cơ hội tìm hiểu và khám phá những giá trị lịch sử được lưu giữ từ thủa sơ khai của hòn đảo xinh đẹp này. Nổi bật trong số đó chính là chùa Quan Lạn - ngôi chùa với lối kiến trúc rất riêng, mang đậm bản sắc văn hoá của cư dân vùng biển.
Chùa Quan Lạn tọa lạc ở xã Quan Lạn, huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Chùa nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng gồm: chùa Quan Lạn, đình Quan Lạn, đền Vân Hải, miếu Đức Ông. Chùa thuộc Hệ phái Phật giáo Bắc tông.
Chùa Quan Lạn (tên chữ là Linh Quang tự) nằm ngay cạnh đình Quan Lạn, theo hướng Đông Nam. Chùa có kiến trúc giản dị dựa trên nguyên tắc chồng đấu hoa sen, mái lợp ngói mũi hài. Hệ thống kèo cột gỗ theo kiểu giá chiêng chồng rường, trên các đầu xà, đầu trụ có chạm khắc hoa lá, chủ yếu là hoa sen. Chánh điện chùa Quan Lạn phần mái chồng diêm, thiết kế bên trong có nhiều bức hoành phi và câu đối. Điện phật được bài trí một cách trang nghiêm, cổ kính.
Tuy chùa được xây dựng từ năm 1953 nhưng được bảo tồn khá tốt nên cho tới ngày nay, chùa vẫn giữ được dáng vẻ mộc mạc, uy nghiêm của mình. Chùa với lối kiến trúc 3 gian: ngoài cùng là tam quan, sau đến bái đường và hậu cung. Cổng chùa mới được xây dựng vào cuối năm 2003, qua cổng chùa mới đến tam quan.
Tam quan chùa khá lớn được xây vào năm 1953. Tam quan cao 3 tầng, phần dưới chính diện có một con rùa đá, trên lưng rùa đặt một bia đá chữ Hán ghi tên những người có công đức lớn được cung tiến vào chùa, hai bên là hai ông Hộ Pháp; tầng hai của tam quan treo một quả chuông đồng nặng khoảng 200kg; tầng ba được đặt tượng Phật Bà. Sau tam quan là đài Quan Âm được xây năm 2002.
Tam quan
Mỗi ngôi chùa đều thờ cúng một vị anh hùng đất nước, dân tộc hay địa phương riêng và chùa Quan Lạn cũng vậy. Tại đây, chùa không chỉ là nơi thờ cúng thần Phật mà còn thờ công chúa Liễu Hạnh và cụ Hậu.
Tương truyền cụ Hậu là một bà lão người gốc Quan Lạn, không chồng con, sống rất hiền lành và phúc hậu, về già cụ đã bán ruộng đất lấy tiền tu sửa vào chùa, vì thế người dân trong vùng đã tôn cụ làm Hậu Phật, tạc tượng cụ và đặt tượng cụ ở ngay trong chùa. Đó chính là bức tượng dân gian khá đặc sắc còn lưu giữ và được thờ trong chùa. Ngoài cùng, hai bên trái phải có tượng ông Ác và ông Thiện, được tạc theo kiểu bán thân.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ bằng đồng như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng đức Phật Thích Ca, tượng Bồ tát đản sanh, tượng Mẫu; hệ thống tượng Phật có giá trị điêu khắc mang đậm phong cách thời Nguyễn, các bức hoành phi, câu đối và sắc phong của vua Thành Thái (1889) phong cho mẫu Liễu Hạnh...
khách thăm quan đến với chùa Quan Lạn sẽ có những cảm nhận mới mẻ so với những ngôi chùa khác từng ghé qua. Với sự cổ kính, uy nghiêm cùng cách bày biện, trang trí đặc biệt mà chùa Quan Lạn sẽ trở thành nơi bình yên cho những ai muốn tìm về.
Nếu có dịp đến Quảng Ninh, Lữ khách hãy thử một lần tham quan, vãn cảnh chùa Quan Lạn, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan, ồn ào của cuộc sống tấp nập ngoài kia và để khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây.
Hà Phương